Trẻ vị thành niên ít khi tâm sự với bố (2013-11-13 16:17:51)

Trong khi gần 50% trẻ thích tâm sự với người ngoài khi có mối quan tâm, lo lắng thì chỉ hơn 2% trẻ vị thành niên chia sẻ với bố.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tại Hội thảo khoa học quốc tế về gia đình mới đây cho thấy, trẻ ngày càng ít tâm sự với cha mẹ trong những lúc khó khăn, còn cha mẹ thì có quá ít thời gian dành cho con cái.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện năm 2011- 2012, có đến 40,8% cha mẹ gặp khó khăn về thời gian dành cho con; 21,5% người cha và 6,8% người mẹ không có thời gian dành cho con; 32,1% các bậc cha mẹ khẳng định khó khăn về thời gian là quan trọng nhất, trong đó các bậc cha mẹ ở thành thị gặp rắc rối này nhiều hơn cha mẹ ở nông thôn. Có đến 10,1% các bậc cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con. 

Nghiên cứu cũng cho thấy, ưu tiên trước nhất khi cha mẹ gắn kết với con là vấn đề học tập (điểm số, thi cử, sự chuyên cần, các việc xảy ra ở trường), sau đó là đến ứng xử với mọi người xung quanh; những sinh hoạt hàng ngày như nết ăn, nết ở, ăn mặc, đầu tóc áo quần; bạn bè của con (để giám sát). Sức khỏe tuổi dậy thì được đặt xuống gần cuối cùng (sau những mối quan tâm/lo lắng) trong thứ tự ưu tiên này.

Theo thạc sĩ Đặng Bích Thủy, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, những chủ đề rất quan trọng với tuổi dậy thì của con cái thì các bậc cha mẹ lại rất ít trao đổi. Ví dụ sức khỏe tuổi dậy thì, kiến thức về tình yêu, tình dục và các mối quan tâm, lo lắng của con cái như tình yêu, quan hệ bạn bè, thầy cô giáo, bạo lực học đường.

Mặc dù ít chuyện trò với trẻ về các chủ đề sức khỏe sinh sản nhưng khi con cái hỏi thì nhiều bậc cha mẹ phớt lờ hoặc mắng mỏ hoặc ỷ lại cho nhà trường. Có đến 11,5% trẻ cho biết bị mẹ mắng mỏ khi hỏi hoặc từ chối trả lời.

Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, có đến 47,3% trẻ vị thành niên thích tâm sự với người ngoài và đối tượng trẻ tâm sự nhiều nhất là bạn bè. Sau đó là tâm sự với mẹ (26,9%); với anh, chị em là 12,4%. Người cha là được trẻ vị thành niên ít chia sẻ nhất, chỉ với 2,6%.

Kết quả này cũng giống với kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2011-2012: Có đến 41% trẻ vị thành niên “đồng ý” và 29% “đồng ý một phần” với nhận định lúc khó khăn cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn nói với người trong gia đình.

Đánh giá về những kết quả trên, thạc sĩ Đặng Bích Thủy cho biết, mức độ gắn kết giữa cha mẹ - con cái mang tính lỏng lẻo trong chia sẻ các mối quan tâm, lo lắng.Cha mẹ chưa phải là người mà con cái tin tưởng để trò chuyện, tâm sự và tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp khó khăn. “Vì vậy, vấn đề đặt ra là cha mẹ cần tăng cường kiến thức, kỹ năng chăm sóc và ứng xử với con ở tuổi vị thành niên để giúp trẻ phát triển năng lực xã hội một cách hiệu quả. Cha mẹ cũng cần được trang bị kỹ năng phân bổ thời gian hiệu quả để dành nhiều thời gian hơn cho con cái nhằm tăng mức độ gắn kết với con, bảo vệ con khỏi các hành vi nguy cơ”, thạc sĩ Đặng Bích Thủy khuyến cáo.  

Bà Nguyễn Phương Thảo, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng cho rằng, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên. Trẻ em sống trong môi trường có cha mẹ hạnh phúc, sự tiếp xúc giữa cha mẹ, con cái cao, có sự gắn kết thì các em có cuộc sống lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống, ít buồn chán, lo âu và ít nghĩ đến tự tử hơn. Các hành vi lệch chuẩn xã hội của vị thành niên thường xuất phát từ việc các em chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ đến đời sống tinh thần. Ngoài ra, hạnh phúc gia đình và sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình cũng là yếu tố tác động tới các hành vi lệch chuẩn của trẻ vị thành niên.

 

Theo Giadinh.net

 

  
Tag: