Con trai mình cũng bị chứng tự kỷ khá nặng (2013-11-11 21:47:22)

  Con trai không có lỗi khi sinh ra bệnh tật. Không một bậc cha mẹ nào muốn con cái mình bị bệnh. Chưa ai biết nguyên nhân của bệnh, các nhà khoa học vẫn đang cãi cọ nhau ầm ĩ trên truyền hình hàng ngày. Cháu không may bị bệnh, và mình không muốn cháu bị vứt ra lề đường. Con trai là lý do mình ở lại Mỹ, chấp nhận những công việc mình không ưa thích, và chi trả cho cuộc sống đắt đỏ, không có nhiều thời gian cho bản thân.

Mỗi ngày, con đến một ngôi trường dành riêng cho trẻ tự kỷ. Mỗi lớp học, chỉ có 6 cháu, với 1 giáo viên và 2 cô trợ giảng. Ngoài ra, cháu còn có các lớp rèn luyện các kỹ năng nói, kỹ năng cuộc sống, các lớp học âm nhạc. Kỳ nghỉ, có các trại hè dành riêng theo các chủ đề riêng thích hợp với từng trẻ, như cưỡi ngựa, khiêu vũ, âm nhạc hay vẽ...

Trẻ bị bệnh nhẹ hơn, có thể là PDD hay apenger, sẽ được đến trường bình thường cũng các bạn khác, nhưng có giáo viên kèm riêng trong lớp học. Kinh phí do nhà nước trả. Đi học về, cháu còn một thầy giáo đến nhà dạy riêng.

Tôi biết một chàng trai tự kỷ, Adam, ở tuổi 30, đã có hai bằng master toán học và đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ. Khả năng xã hội của anh vẫn chỉ như trẻ 15 tuổi, nhưng anh là thầy giáo dạy toán bậc phổ thông trung học, sống độc lập trong một căn hộ mua bằng tiền của chính mình.

Các thầy cô giáo khác ở trường, và học sinh của anh, đều biết anh bị bệnh. Không ai chọc ngoáy những khi anh đi vòng tròn một mình trong hành lang trường, cũng chẳng ai trêu chọc anh khi anh tỏ ra ngây ngô về một chuyện gì đó. Chỉ có khả năng toán của anh là đáng nể phục, và anh truyền kiến thức của mình cho đám học sinh một cách nhiệt thành.

Tất nhiên, ít ai làm được như thế. Nhưng nếu anh chàng chẳng may sinh ra ở Việt Nam, liệu anh có được học hết lớp 2 không, hay sau nhiều ngày thấy học trò thường xuyên đứng dậy trong lớp không xin phép, thường xuyên bôi bẩn sách vở, ồn ào và mất trật tự, thầy cô giáo sẽ liệt anh vào thành phần không cá biệt?

Tháng Mười vừa qua, mình về Hà Nội, được các bạn đưa mình và con đến trung tâm Vincom chơi. Con mình, dù đã 6 tuổi, nhưng không thể chơi các trò điện tử giống trẻ con khác cùng trang lứa, nên mình mua vé cho hai mẹ con vào khu dành cho trẻ nhỏ tuổi hơn, có xích đu và cầu trượt. Tất nhiên, con mình không tự chơi và rất rụt rè, và theo quy định, người lớn không được trèo lên chơi với trẻ.

Nhìn con đứng lơ ngơ một mình, bị trẻ khác dù nhỏ hơn giật áo và ủn ngã mà không biết phản ứng lại, mình chỉ có thể đứng ở dưới gọi lên ngăn cản. Ý nghĩ con trai không có chỗ ở chính quê hương mình làm mình đau lòng. Chẳng có chỗ chơi nào dành cho con. Chỗ chơi cho trẻ bình thường đã quá thiếu, làm gì có chỗ cho trẻ khuyết tật?Tất nhiên, chẳng có bậc cha mẹ nào cảm thấy vui vẻ khi con mình bị bỏ rơi.

 

 

 

 

 

Tất nhiên, cuộc chiến với bệnh tự kỷ là lâu dài. Mình và các bố mẹ có con tự kỷ khác vẫn đang cố gắng mỗi ngày. Với mình, khi con nhỏ, được đi học, được có bạn bè, được chăm sóc. Khi con lớn lên, có thể đi làm nuôi chính mình, đóng góp cho xã hội, có một cuộc sống bình thường. Là giấc mơ. Mà có lẽ, là giấc mơ của của tất cả mọi người

Vì ước mơ, con sẽ lớn lên, sống một cuộc sống bình thường, làm một công việc bình thường, như anh chàng đang ra rả "chào mừng quý khách" kia, mình sẵn sàng làm tất cả.

(sưu tầm)

  
Tag: