Đối với học sinh bị đau mắt đỏ, giáo viên cần thông báo với phụ huynh và cho bé cách ly tại nhà đến khi khỏi bệnh, tránh trường hợp bệnh lây thành dịch. Ngoài ra, phụ huynh nên hạn chế cho bé ra đường để tránh khói bụi vào mắt.
Đối với những học sinh còn lại, giáo viên và phụ huynh cần nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không đưa tay sờ vào mắt mũi miệng. Nhắc nhở trẻ không cầm nắm vật dụng cá nhân với bạn bè như ly nước, mắt kính, bút…; nhà trường cần vệ sinh lớp học sạch sẽ, thông thoáng.
Cũng theo bác sĩ Lê Đức Quốc, cơ thể con người không sản sinh ra miễn dịch trọn đời đối với bệnh đau mắt đỏ, nghĩa là với những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị lại sau vài tháng khỏi bệnh. Vì vậy, dù đã từng hoặc chưa từng bị đau mắt đỏ thì chúng ta vẫn cần chú ý trong việc phòng ngừa bệnh để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ đa phần do vi rút gây ra, thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau 7-14 ngày nếu chăm sóc đúng cách.
Khi mắt đỏ nhiều và sưng, nên đưa trẻ đi khám
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đình Trung Chính, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chia sẻ, đau mắt đỏ nếu không điều trị, để lâu có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Do đó khi trẻ đau mắt đỏ có dấu hiệu sưng đỏ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để có chỉ định điều trị kịp thời. Không nên chủ quan để lâu hoặc tự ý mua thuốc, nhỏ thuốc cho trẻ, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng thị lực của trẻ.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế TP.HCM và các bác sĩ chuyên khoa mắt, người dân khi bị đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tỷ lệ biến chứng do đau mắt đỏ là 1,65%
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến ngày 5.9 tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố có 71.740 lượt khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022 (58.853 ca). Trong số này có hơn 1.011 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm 1,41% (cùng kỳ năm 2022 có 892 ca biến chứng, chiếm 1,52%). Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng năm 2023 là 23.873 ca, chiếm 33,3% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,5%). Trong đó có 298 ca biến chứng, chiếm 1,65%.