Làm gì khi con tăng động giảm chú ý (2023-11-19 21:48:43)
Quyết định hành vi nào là quan trọng nhất để can thiệp
Phụ huynh liệt kê danh sách những hành vi có ý nghĩa/ quan trọng nhất cần phải được thiết lập cho con bạn lúc này và sau đó thực hiện từng bước nhỏ:
• Bước 1: Phụ huynh làm mẫu cho con xem
• Bước 2: Phụ huynh hỗ trợ con khi thấy cần thiết
• Bước 3: Để con tự làm
Nguyên tắc thực hiện:
• Hành vi luôn được cũng cố lặp đi lặp lại cho con
• Có sự thống nhất giữa những người chăm sóc trong gia đình (như ông bà nội/ngoại của con, chồng/vợ bạn, anh chị em của trẻ, những người họ hàng sống chung), nó cũng là điều tốt nếu bạn chia sẻ những điều này đến thầy cô giáo của con, như vậy trẻ sẽ cảm thấy không có quá nhiều sự khác biệt giữa môi trường gia đình và nhà trường, từ đó trẻ sẽ cảm thấy được an toàn
Tạo thói quen giúp con có hành vi tốt
Chú ý đến những hành vi tích cực của con – điều đó có tác động rất mạnh mẽ đến mỗi đứa trẻ
Tạo cơ hội để con nhận được lời khen từ những người xung quanh – ghi nhận những thành quả mà con đã đạt được (dù chỉ nhỏ thôi)
Bạn có thể cùng con thảo luận và lập bảng khuyến khích hành vi tích cực như sau
Phần thưởng có thể theo:
Ngày………………….
Tuần………………….
Tháng…………………
Lưu ý: Bạn và con đã thỏa thuận về phần thưởng (có thể là 1 món đồ chơi mà trẻ đang ước ao, hay một buổi đi tham quan sở thú, đi mua sắm ở siêu thị, đi đến khu vui chơi cho cả gia đình…) và khi đã hứa điều gì với con thì bạn hãy giữ lời hứa, điều đó sẽ giúp con của bạn có thêm động cơ thúc đẩy để những hành vi tích cự đó có cơ hội được củng cố và từ đó nó sẽ trở thành một thói quen tích cực cho chính bản thân của con
Dần dần thêm những công việc khó hơn vào danh sách để con sắp xếp thực hiện công việc dễ hơn trước
Điều này giúp cho trẻ phát triển ý thức trách nhiệm cuả bản thân và giúp con từng bước biết quản lý công việc của mình mỗi ngày như: những công việc mà mình cần phải làm ngày hôm nay là gì, công việc nào dễ thì làm trước, việc nào khó thì để làm sau, rồi từ từ các em sẽ biết phân loại ra công việc cần ưu tiên làm trước, công việc nào thì sẽ làm sau…như vậy sẽ giúp các em mỗi ngày một lớn lên và tự tin hơn trong cuộc sống. Nếu trong danh sách, số lượng công việc các em cần làm mỗi ngày mà thất bại nhiều thì chúng ta cần giảm số lượng cũng như mức độ khó ở mỗi công việc xuống để giúp các em có nhiều cơ hội thành công hơn là thất bại để các em có nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục củng cố những hành vi tích cực đó, cũng như các em được trải nghiệm qua những cảm xúc tích cực khi các em hoàn thành xong những nhiệm vụ mà các em cần làm.
Khi có thể, cha mẹ hãy để con tự đặt mục tiêu cá nhân, sau đó cha mẹ sẽ cùng đồng hành với con để giúp con đạt được mục tiêu. Như thế con sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm xúc vui sướng khi tự bản thân con đưa ra những nhiệm vụ cho mình và cũng chính tự con hoản thành xong những nhiệm vụ đó, điều này sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ để giúp các em tiếp tục củng cố những hành vi và cảm xúc tích cực này
Cho con biết rằng con không bao giờ đơn độc
Giải thích cho con bạn hiểu rằng bên cạnh con ngoài cha mẹ ra thì con luôn có anh chị của con, thầy cô giáo cũng như những người chăm sóc khác như ông bà, cô dì, chú bác…và cả những nhà chuyên môn khác nữa- những người tuy rằng họ không thường xuyên ở bên cạnh con nhưng họ lúc nào cũng sẵn lòng lắng nghe, giúp đỡ và chăm sóc con khi con có nhu cầu hay khi con gặp bất kỳ một khó khăn nào, đó chính là các Bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các nhà âm ngữ, các giáo viên chuyên biệt…
Làm danh sách nội quy ở nhà và nhắc đi nhắc lại với tất cả các thành viên trong gia đình
Thời gian tốt nhất để đưa ra những nội quy đó chính là: ngay sau khi có sự xung đột, mâu thuẫn nhau hay đang trong một tình huống khó xử thì tất cả các thành viên trong gia đình hãy cũng ngồi lại với nhau để bàn luận, cùng thống nhất và sau đó sẽ thực hiện.
Đãm bảo nội quy đã được tất cả các thành viên trong gia đình hiểu và đồng thuận, hãy dàn nội quy lên nơi mà tất cả mọi người– ai cũng có thể nhìn thấy được, ví dụ: có thể dàn chúng lên tủ lạnh trong nhà bạn, bảng thông tin của gia đình..để nhắc nhở mọi người rằng: lúc này cần phải làm gì hay việc gì cần làm tiếp theo…
Những nội quy đó có thể là:
1. Chúng ta cần nói chuyện lịch sự/ lễ phép với nhau
2. Viết ra danh sách những công việc cần làm mỗi ngày
3. Không ngắt lời người khác khi họ đang nói
4. Cần xin phép/ nói lên được lý do trước khi muốn ra khỏi ghế
5. Cần hoàn thành xong công việc của mình trước rồi sau đó mới chơi
6. Khi đi đâu cần phải nói cho mọi người trong gia đình cùng biết
7. …………………………………………………………………
Chỉ cho con biết hành động của con đã ảnh hưởng đến mọi người xung quanh như thế nào
Ví dụ con của bạn lấy cây đánh con chó hay xé rách một con búp bê mà con rất yêu thích, lúc đó bạn có thể sẽ nổi nóng, bạn la mắng và có thể phạt con. Lúc đó, bạn có thể giải quyết tình huống đó với một thái độ bình tĩnh như sau: bạn giải thích cho con hiểu rằng điều gì con được làm và điều gì con không nên làm và khi con làm như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào cho chính bản thân con cũng như cho những người khác. Khi bạn lam được điều đó, con bạn sẽ hiểu và bắt đầu trở nên có trách nhiệm hơn với chính những hệ quả mà tự bản thân con đã gây ra
Hướng dẫn con bằng lời nói cùng với giao tiếp mắt
Bằng cách này, bạn đảm bảo rằng con đang lắng nghe bạn và nếu bạn cảm thấy nghi ngờ liệu rằng con nắm bắt được đầy đủ lời hướng dẫn hay yêu cầu của bạn hay không thì bạn có thể hỏi lại con một lần nữa.
Tránh giận dỗi, la hét và phạt trẻ
Khi bạn tức giận, hãy tránh la hét và phạt con mà thay vào đó bạn có thể sử dụng biện pháp TIME-OUT, điều này sẽ giúp làm dịu đi không khí gia đình lúc đó và cũng như đây sẽ là khoảng thời gian để giúp cho con cũng như cho chính bản thân bạn bình tĩnh trở lại và suy nghĩ về những gì mà mình đã làm, đã nói. Không những vậy, nó cũng sẽ giúp cho con không phải thất vọng hay vỡ mộng về cha mẹ của mình, còn nếu trong tình huống đó mà bạn không kiểm soát đucợ hành vi, thái độ cũng như cảm xúc của bản thân thì chính bạn đã vô tình làm cho con hiểu rằng: “À, mình có quyền được nổi nóng, được la hét, được đánh người khác…khi mọi việc không theo ý muốn của mình”
Do vậy bạn cần kiểm soát tốt hành vi cũng như cảm xúc của mình, bản thân mình cần phải vững và cần giải quyết mọi việc trong một tâm thế bình tĩnh.
Nguồn: songcungtuky.org
Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố