Trường học hạnh phúc (2023-11-19 21:37:33)

Trong những năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực để xây dựng nên những 'Ngôi trường hạnh phúc', để mang đến môi trường giáo dục an toàn, HS được yêu thương và tôn trọng.

Tiết học của cô Thanh Hải là tiết học của những nụ cười.

Tiết học của cô Thanh Hải là tiết học của những nụ cười.

Tiết học với những niềm vui

Tiết học Vật lý của lớp 10HN Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Vũng Tàu), cô Nguyễn Thị Thanh Hải bước vào lớp với nụ cười rạng rỡ. Trên tay cô Hải là chiếc ô tô đồ chơi điều khiển từ xa. Hơn 40 HS trong lớp hào hứng quan sát và đưa ra nhận xét về chuyển động, trong lúc cô giáo điều khiển cho xe chạy. Bài học “Chuyển động biến đổi gia tốc” bắt đầu nhẹ nhàng như thế!

Trong tiết dạy của mình, cô Hải không yêu cầu HS trả bài để lấy điểm, mà kiểm tra kiến thức, kỹ năng của các em trong suốt quá trình giảng bài. Sau khi cung cấp cho HS những kiến thức nền, cô cho HS vận dụng làm bài nhóm hoặc thuyết trình theo nhóm. Cô còn lồng ghép một số trò chơi như: Vòng quay may mắn, Đi tìm kho báu… để khơi dậy sự phấn khích.

Với cô Thanh Hải, mỗi tiết học không chỉ là thời gian để truyền thụ kiến thức cho HS mà còn là cơ hội để cô và trò thêm gắn bó.

Tiết học 45 phút trôi vèo trong những tiếng cười. Em Trần Đăng Hiếu, HS lớp 10HN chia sẻ: “Môn Vật lý được coi là khó nhằn nhất trong các môn Khoa học Tự nhiên. Nhưng được học với cô Hải, chúng em không thấy bị áp lực. Trong suốt quá trình dạy, cô khiến cho môn học trở nên gần gũi với những ví dụ sinh động, đan xen những câu đùa dí dỏm. Cô còn biết cách động viên, khích lệ để chúng em có động lực cố gắng hơn. Có thể nói, mỗi tiết học không chỉ là những bài giảng, mà còn là cơ hội khiến cô trò gần gũi và gắn kết với nhau hơn”.

Cô Thanh Hải cho hay, trong quá trình giảng dạy, tùy theo từng đối tượng HS, cô sẽ có cách tiếp cận và giao nhiệm vụ ở mức độ khác nhau. Xuyên suốt tiết học luôn là sự thoải mái và thân thiện: “Ngay cả khi HS làm sai, tôi cũng luôn nhắc nhở bản thân mình giữ bình tĩnh, không phê bình nặng lời, gay gắt mà nhận xét, góp ý một các khéo léo. Tôi luôn khích lệ, khen thưởng các em nhiều hơn.

Trường TH Lê Thành Duy tổ chức cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Cũng giống như cô Thanh Hải, cô Đặng Thị Kim Nam, GV Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa) cũng mở cánh cửa trái tim học trò bằng sự thân thiện và chân thành. “Bước vô lớp là nở nụ cười”, đó là bí quyết giúp cô Nam tạo không khí thoải mái và niềm vui cho học trò mỗi ngày tới lớp. “Là GV, khi lên lớp, phải bỏ lại hết những buồn phiền, lo lắng của bản thân để tạo niềm vui cho học trò”, cô Nam chia sẻ.

Cô Nam cho rằng, HS đến trường không phải chỉ để học kiến thức, mà các em còn cần nhận được sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ từ bạn bè và thầy cô. Do đó, đầu năm học mới, ngay khi nhận danh sách lớp, việc đầu tiên cô Nam làm là liên hệ với GV chủ nhiệm cũ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ. Mỗi buổi lên lớp, cô chú ý quan sát, nắm bắt tâm lý, tình cảm của HS, quan tâm một cách chân thành để các em tin tưởng, chia sẻ. Trong lớp, cô tạo điều kiện để HS trong lớp hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời liên hệ chặt chẽ với GV bộ môn để nắm bắt tình hình lớp học.

Thầy cô hạnh phúc thay đổi cả thế giới

Cô Thanh Hải cho rằng, trường học hạnh phúc là một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, HS cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa HS với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.

Theo cô Hải, muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì cần phải bắt đầu từ việc xây dựng lớp học hạnh phúc. Trong đó hướng tới phát triển toàn diện năng lực HS chứ không phải để đối phó với các kỳ thi. “Tôi rất tâm đắc với câu nói: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Đó là lý do, khi đến trường tôi luôn mang theo tinh thần tích cực, thân thiện và vui vẻ. Tôi mong muốn lớp học trở thành nơi HS muốn đến chứ không phải bị bắt đến”, cô Hải nói.

Cô Cù Thị Như Ý, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết, trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ GV của trường đã có ý thức nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời, các thầy cô giáo cũng trang bị cho mình kỹ năng mềm khi giao tiếp với HS, giúp các em cảm nhận được sự thân thiện, tôn trọng và thấu hiểu, kiến tạo niềm tin đối với các em. Từ đó giúp các em gắn bó hơn với bạn bè, trường lớp, có động lực để tiến bộ trong học tập.

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Để xây dựng trường học hạnh phúc thì bản thân người thầy phải cảm thấy hạnh phúc. Để làm được điều này, cán bộ quản lý nhà trường luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với GV một cách chân tình, coi GV như chính người thân của mình, tạo điều kiện để GV phát huy khả năng. Nói cách khác, cán bộ quản lý cần phải là “người truyền lửa” trong mọi hoạt động, bằng sự trải nghiệm và thấu hiểu để khơi dậy khát vọng cống hiến trong mỗi thành viên nhà trường, cùng nhau xây dựng một môi trường gắn kết và hạnh phúc”.

(Cô Cù Thị Như Ý, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Nguyễn Huệ)

Còn cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy thì cho hay, nhà trường luôn hướng tới xây dựng ngôi trường mà ở đó, mỗi ngày đến trường, GV, HS cảm thấy vui vẻ, an toàn và được tôn trọng.

Theo cô Nga, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ GV năng động, sáng tạo, không ngừng tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại, tăng cường ứng dụng CNTT để truyền tải kiến thức. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm để HS được vui chơi sau những giờ học căng thẳng. Nhà trường cũng thường xuyên quán triệt tới toàn bộ đội ngũ thấm nhuần phương châm “Dạy trẻ bằng cả tình thương”, giáo dục trẻ bằng phương pháp tích cực, tôn trọng và đối xử công bằng với các em… “Có thể nói rằng, hạnh phúc không ở đâu xa, mà nó được ươm mầm từ những việc làm nhỏ bé hằng ngày”, cô Nga nói.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 

  
Tag: