Những người mẹ đi học cùng con (2014-11-03 23:28:27)
Hơn 11h, trong lúc các bạn khác đã ăn xong và đang chuẩn bị đồ ra về thì ở góc phòng bé Quang Linh vẫn ngậm miếng cơm đến chảy nước quanh miệng. Mẹ cậu, chị Nguyễn Thị Tư vừa dỗ dành vừa cố ép muỗng cơm vào miệng con. Hôm nay trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP HCM) chỉ học một buổi nên chị tranh thủ lên sớm phụ cô giáo cho con ăn rồi đón về phòng trọ.
Chị cho biết, ông ngoại Quang Linh bị nhiễm chất độc da cam khi đi bộ đội. Nhà có 4 anh chị em khi lập gia đình đều sinh con bị khiếm thị và một số khuyết tật khác.
Riêng Quang Linh thì mù hẳn đôi mắt và não chậm phát triển. Xót con, gia đình chị đã đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng không được. Đến tuổi đi học, không có trường nào chịu nhận Linh hoặc có nhận thì lại không đúng với khuyết tật. Vậy là hơn 2 năm nay, khi Linh được 3 tuổi, chị đã bồng con khăn gói từ Lâm Đồng xuống TP HCM để theo học ở trường khiếm thị.
"Sinh con ra lành lặn mình yêu thương một, nó khiếm khuyết thì phải yêu thương mười", chị Tư nói. Ảnh: Nguyễn Loan
"Thời gian đầu xa nhà cả hai đều buồn lắm, Linh thì cứ đòi về nhà với ba còn mình thì cũng không khỏi tủi thân khi chỉ hai mẹ con lủi thủi trong phòng trọ" Chị Tư tâm sự.
Thuê trọ ở quận 12, hàng tuần, cứ thứ hai chị lại bắt hai chặng xe buýt đưa con xuống trường học nội trú, đến chiều thứ tư lại bắt xe xuống đón con về. Riêng thứ năm và thứ sáu trường chỉ dạy một buổi nên cứ sáng chị đưa con lên, đến trưa cho ăn xong lại đón về.
"Lúc mới sinh ra nhìn con bệnh tật vợ chồng tôi cũng buồn lắm. Nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng lại lo sau này lỡ mình không còn nữa thì ai sẽ chăm sóc cho nó. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi quyết định cho con đi học và chỉ mong cháu có thể tự lập, tự lo được cho bản thân", chị Tư nói.
Hai mẹ con trọ học ở thành phố, chồng ở nhà chỉ dựa vào mấy hecta rẫy cà phê nên ngoài thời gian đưa đón Linh đi học chị Tư nhận thêm đồ gia công về nhà làm, mỗi tháng kiếm thêm 500-600 nghìn đồng. Thiếu thốn đủ bề, nên cũng phải 3-4 tháng hai mẹ con mới về thăm nhà một lần.
Còn ở một lớp học dành cho trẻ mầm non, chị Nguyễn Thị Phương đang ầu ơ vỗ về con trai đầu lòng ngủ. Tuấn Kiệt của chị đã hơn 5 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ lên 2 khi chưa biết nói, biết đi nên hàng ngày chị phải ở lại trường để hỗ trợ cô giáo chăm con. Cậu bé bị sinh non, khi mẹ mới mang thai được 6 tháng tuổi.
Tuấn Kiệt cũng không tìm được trường học phù hợp ở Bình Phước nên hồi đầu tháng 8 mẹ con chị phải khăn gói lên TP HCM ở trọ. Cả gia đình có 4 người thì ly tán tới 3 nơi. Trong khi chồng phải ở Bình Phước làm rẫy, hai mẹ con lên thành phố trọ học thì đứa con sau của chị Phương mới 3 tuổi phải gửi về An Giang nhờ bà nội chăm sóc. Thỉnh thoảng chị lại chạy xe máy chở Kiệt về thăm con cho đỡ nhớ.
Hai mẹ con thuê trọ ở huyện Bình Chánh, cứ sáng chị Phương dậy thật sớm để chở con tới trường rồi cùng con học bài, cùng cô giáo dạy con những động tác, phản ứng đơn giản nhất. Cực nhọc vậy nhưng chị Phương đang rất hạnh phúc vì Tuấn Kiệt tiến bộ từng ngày, từ một cậu bé không biết nhận thức, sau hơn hai tháng đi học, Kiệt đã biết nói theo người khác dù nói chưa rõ.
Kiệt chưa biết đi, nên ngoài thời gian học ở lớp cứ những ngày cuối tuần chị Phương lại chở con lên trường để tập nhờ ở phòng tập trị liệu. "Nuôi những đứa trẻ bình thường đã khó, con bị khuyết tật thì càng khó hơn. Từng ngày tôi tự nhủ mình cần phải kiên trì, chỉ hy vọng con mình có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này", chị Phương nói.
Mỗi ngày chị Phương cùng con tới trường để hỗ trợ cô giáo trong việc chăm sóc và dạy Tuấn Kiệt. Ảnh: Nguyễn Loan
Còn anh Tân thì quyết định chuyển cả gia đình từ Hà Nội vào TP HCM để cho con gái đầu lòng Bảo Châu được đến trường. Anh cho biết, chỉ cần thấy con tiến bộ từng ngày thì với giá nào gia đình cũng sẵn sàng đánh đổi.
Anh vốn là kỹ sư xây dựng, lấy vợ khá muộn nên khi có bé gái đầu lòng cả nhà mừng lắm. Tuy nhiên, khi mang bầu mới được hơn 6 tháng thì vợ anh sinh non, đứa bé chỉ nặng 8 lạng, phải ở lồng kính 4 tháng sau mới được về. Anh cũng đã dốc hết tiền để hai lần đưa con sang Nga chữa trị đôi mắt nhưng không được.
Ở Hà Nội cũng có trường khiếm thị, song Bảo Châu ngoài khiếm thị còn bị chậm phát triển nên trường không nhận. Thương con, anh lặn lội vào TP HCM hỏi thăm, khi được cô hiệu trưởng ở đây đồng ý anh đã không ngần ngại chuyển cả gia đình vào để tiện chăm sóc.
"Khi mới chuyển vào không thể nói hết được những khó khăn của hai vợ chồng. Vừa phải đôn đáo tìm chỗ ở vừa tìm công việc và thích nghi với môi trường sống mới. Có lúc hai vợ chồng chỉ biết nằm ôm con khóc", anh Tân kể. Hiện, cả gia đình anh đang sống nhờ nhà người em ở quận Gò Vấp.
Bảo Châu đã được 7 tuổi nhưng cô bé chưa tự làm được gì nên anh không cho con học nội trú mà sáng đưa đi tối đón về. Ngoài việc học ở trường, mỗi khi có thời gian rảnh vợ chồng anh lại thay nhau bắt chước các cô giáo để dạy lại con. "Lúc mới vào đây con bé còn yếu và chậm lắm, nhưng từ khi được đi học thấy con tiến bộ hàng ngày vợ chồng tôi cũng được an ủi phần nào", anh Tân nói.
Bà Hà Thanh Vân, hiệu trưởng trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu cho biết, trước đây trường chỉ nhận những học sinh bị mù nhưng khi thấy nhiều em vừa bị khiếm thị vừa bị đa tật khác không có nơi nào nhận nên trường đã đón các em vào. Nhiều phụ huynh từ khắp các tỉnh đã chuyển chỗ ở vào Sài Gòn để con được đi học.
"Tất cả trẻ em có quyền được đến trường, các em bị đa tật lại càng phải đến trường để được dạy dỗ, tập luyện nhiều hơn. Nếu trường không nhận thì sau này các em sẽ sống thế nào khi không thể tự lập", cô Vân nói và cho biết để dạy những học sinh đa tật phải tốn công và khó khăn hơn rất nhiều. Trường đã phải soạn ra một chương trình dạy riêng cho từng dạng đa tật của trẻ và cử giáo viên đi tham khảo học hỏi ở các nước khác.
Hiện, trường mù Nguyễn Đình Chiểu đã nhận trên 80 học sinh đa tật và cũng đã mở được lớp riêng cho trẻ vừa khiếm thị vừa khiếm thính và chậm phát triển.
Nguyễn Loan