Cảnh báo trẻ mắc rối loạn tự kỷ ngày càng gia tăng (2013-11-12 11:25:12)

Tự kỷ là một dạng rối loạn trong nhóm “Rối loạn phát triển lan tỏa” hay gặp ở trẻ em. Ở Việt Nam, số lượng trẻ bị tự kỷ đang ngày một gia tăng. Trẻ mắc rối loạn tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội. Điều đáng báo động là nhiều cha mẹ không phát hiện ra con mình tự kỷ hoặc không chịu thừa nhận con mình mắc chứng rối loạn này.

Những lời cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo “Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ: Thực trạng và triển vọng” diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 12, 13/3 do Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức…

Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ nhanh chóng hòa nhập xã hội

Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ nhưng theo Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn 2000-2007 số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng đông; trẻ tự kỉ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; số trẻ tự kỉ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000.

Xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000. Cũng theo các thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM), nếu năm 2000 bệnh viện chỉ điều trị cho 2 trẻ bị tự kỷ, thì sau 4 năm con số này đã là 170 trẻ, đến năm 2008 con số này tăng gấp 2 lần tức là 324 trẻ.

Trong một dự án chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của tổ chức NGO Plan, riêng một huyện ở Hà Nội, trong số 733 trẻ khuyết tật được phát hiện, thì có tới 221 trẻ chậm phát triển và trẻ tự kỷ chiếm 10% số trẻ chậm phát triển đó.

Ở các nước phương Tây, khuyết tật tự kỷ đã được xã hội hóa và hầu như mọi người đều có những hiểu biết nhất định về rối loạn này. Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng ngày càng nhiều, mà kiến thức về vấn đề này của các bậc cha mẹ còn khá khiêm tốn.

Theo Nghiên cứu “Hỗ trợ cho gia đình có trẻ khuyết tật ở châu Á” thực hiện tại Hà Nội, TP HCM từ tháng 3/2009 đến tháng 2/2010, có người ngộ nhận rằng tự kỷ là bệnh, có thuốc chữa và sẽ khỏi hoàn toàn. Những nhận thức đó là sai lầm và hết sức nguy hiểm.

Việc phát hiện sớm tự kỷ là một vấn đề cấp bách và quan trọng. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm, sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Ở Việt Nam, việc chẩn đoán sớm và điều trị cho trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn. Phần đông trẻ được chẩn đoán tự kỷ đã quá 2 tuổi.

Chúng ta chưa có được những công cụ đánh giá chẩn đoán tự kỉ để đảm bảo độ tin cậy và hiệu lực khi dùng cho trẻ em Việt Nam. Các trắc nghiệm ở Việt Nam đều chỉ được dịch từ các phương pháp chẩn đoán của nước ngoài (chủ yếu là các bộ công cụ STAT; ADOS...), và thích nghi dưới dạng ngôn ngữ mà chưa được chuẩn hóa đầy đủ. Phương pháp phỏng vấn cha mẹ và trong thời gian tương đối ngắn (10-15 phút) được sử dụng phổ biến để đưa ra kết luận nên sẽ không tránh khỏi sự phiến diện và thiếu chính xác.

Nên sớm có nghiên cứu cấp nhà nước về phương pháp chăm sóc trẻ tự kỷ

Đánh giá mức độ sẵn sàng hòa nhập của trẻ tự kỷ, Ths Nguyễn Nữ Tâm An, ĐHSP Hà Nội cho biết, hiện nay, các trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng và giáo dục cho trẻ tự kỉ được mở ra ngày càng nhiều, môi trường giáo dục tương đối tốt, nhưng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu của các gia đình trẻ tự kỉ và chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc.

(Theo CAND online)

 

  
Tag: